KHI THẦN TƯỢNG VẤP NGÃ – BÀI HỌC VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ CHO GIỚI TRẺ!
Lượt xem:
KHI THẦN TƯỢNG VẤP NGÃ – BÀI HỌC VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ CHO GIỚI TRẺ!
—————————

Thời gian gần đây, hàng loạt thần tượng, idol nổi tiếng trong giới trẻ bị dính vào những “phốt” nghiêm trọng: từ phát ngôn lệch chuẩn, lối sống buông thả, cho đến các hành vi vi phạm pháp luật. Những cái tên từng được tung hô là “hình mẫu lý tưởng” bỗng chốc trở thành tâm điểm chỉ trích. Điều này không chỉ khiến người hâm mộ hụt hẫng, mà còn đặt ra một câu hỏi lớn: Giới trẻ hôm nay đang được định hướng giá trị sống như thế nào?
KHI HÀO QUANG VỤT TẮT
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các thần tượng trong thời đại số. Với một cú click chuột, một video viral hay một bài hát nổi bật, họ có thể lập tức trở thành người của công chúng, thậm chí được coi là “biểu tượng sống” cho nhiều bạn trẻ noi theo. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để giữ gìn hình ảnh và đạo đức trước ánh đèn sân khấu.
Nhiều idol trẻ tuổi, vì thiếu nền tảng vững chắc về nhân cách hoặc kiến thức xã hội, thiếu kỹ năng sống, dễ bị cuốn vào vòng xoáy thị phi, sa ngã trong lối sống hưởng thụ, thậm chí phạm pháp. Điều đáng lo ngại là, khi những hình mẫu này sụp đổ, nó không chỉ làm tổn thương niềm tin của người hâm mộ, mà còn làm lệch chuẩn các giá trị sống mà giới trẻ đang học hỏi, noi theo.
Gần đây, trường hợp của YouTuber Quang Linh Vlogs – một gương mặt từng được yêu mến vì những hoạt động thiện nguyện tại châu Phi – khiến nhiều người bất ngờ khi anh bị khởi tố vì liên quan đến quảng cáo sai sự thật. Sự việc này không chỉ gây tiếc nuối, mà còn cho thấy rằng, ngay cả những hình mẫu “tử tế” trong mắt công chúng cũng có thể mắc sai lầm khi thiếu cẩn trọng và trách nhiệm.
GIỚI TRẺ THEO ĐUỔI THẦN TƯỢNG, CẦN ĐƯỢC DẪN DẮT, ĐỊNH HƯỚNG!
Việc thần tượng một ai đó là nhu cầu tự nhiên của tuổi trẻ — độ tuổi đang tìm kiếm bản sắc, lý tưởng và động lực để khẳng định mình. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận các thần tượng qua mạng xã hội, qua bề nổi hào nhoáng mà thiếu sự chọn lọc và phân tích, rất dễ rơi vào trạng thái “tôn sùng mù quáng”, dẫn đến lệch lạc trong nhận thức.
Giới trẻ cần những hình mẫu tích cực — những con người sống có lý tưởng, có trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có nhân cách và lối sống tử tế.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ hay những người nổi tiếng. Vấn đề nằm ở sự thiếu vắng định hướng rõ ràng từ gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng hệ giá trị cốt lõi cho thế hệ tương lai.
• Gia đình cần là nơi đầu tiên dạy con về sự tử tế, trách nhiệm và phân biệt đúng sai.
• Nhà trường cần đổi mới nội dung giáo dục, lồng ghép các bài học về kỹ năng sống, tư duy phản biện, giá trị sống bền vững.
• Xã hội, đặc biệt là truyền thông, cần thận trọng trong việc xây dựng và lan tỏa hình ảnh thần tượng, tránh xu hướng lăng xê “hiện tượng mạng” chỉ vì lượt view, like, mà bỏ qua yếu tố nhân cách.
Thay lời kết: Đừng để thế hệ trẻ lạc hướng trong thế giới ảo.
Khi những người đáng lẽ phải truyền cảm hứng lại trở thành bài học thất bại, chúng ta càng phải nghiêm túc nhìn lại: Chúng ta đang dẫn dắt thế hệ trẻ đi về đâu?
Trong một xã hội đầy biến động và cám dỗ, việc định hướng giá trị sống là điều không thể chậm trễ. Hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ cần được trang bị nội lực, không chỉ để chọn đúng thần tượng, mà còn để chính mình trở thành hình mẫu tốt đẹp cho tương lai.
Nguồn: Tô Thị Duy Linh – Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.