Là giáo viên, chúng ta cần trau dồi đạo đức, bồi bổ nhân cách và rèn luyện phong cách ứng xử sao cho thực sự nhân ái, xứng tầm là một thầy giáo, cô giáo theo gương của bác Hồ vĩ đại.
Lượt xem:
Trong buổi sinh hoạt chi bộ thường kì tháng 01/2022, chi bộ được nghe đồng chí Lý Kim Ba, đảng viên chi bộ kể câu chuyện về Bác với câu nhan đề CÂU CHUYỆN NHỎ VÀ BÀI HỌC LỚN (Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng) với nội dung:
Vào một buổi sáng, Bác Hồ đi từ ngôi nhà sàn của Người sang Phủ Thủ tướng tìm đồng chí Phạm Văn Đồng để trao đổi về một vấn đề quan trọng. Lúc đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đang làm việc tại Văn phòng, tuy cũng nằm trong khu Phủ Chủ tịch nhưng cách xa Phủ Thủ tướng tới vài trăm mét. Một đồng chí bảo vệ vội vã đạp xe ra báo với Thủ tướng. Vội quá, Thủ tướng dùng ngay chiếc xe đạp của đồng chí bảo vệ phóng về gặp Bác. Đồng chí bảo vệ không thể để Thủ tướng rời xa mình, mà lại không có thời gian tìm chiếc xe đạp khác, nên anh đành lập tức chạy bộ theo sau Thủ tướng. Bác Hồ đứng sẵn ở sân chờ đồng chí Phạm Văn Đồng. Khi Thủ tướng vừa xuống xe, chưa kịp chào hỏi gì, Bác đã nói ngay:
– Sao chú không đèo chú bảo vệ đằng sau xe để cùng về, lại để chú ấy chạy bộ?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó như chợt nhận ra, vội đáp:
– Xin lỗi Bác.
Đáp vậy, nhưng sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng đã suy nghĩ rất kỹ về lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm khắc của Bác Hồ. Sáng hôm sau, trong lúc làm việc với một số đồng chí cấp dưới, ông kể lại câu chuyện trên cho mọi người cùng nghe, rồi nói:
– Tôi đã nghĩ về lời của Bác. Lòng nhân ái, thương yêu và kính trọng con người, phải chân thực từ trong tâm của ta, rồi tự nhiên bật ra thành thái độ và hành động, chẳng phải suy nghĩ gì, như là từ bản năng.
Từ mẫu truyện nêu trên, bản thân tôi cũng rút ra cho mình những bài học vô cùng sâu sắc. Tôi cũng như các đồng chí đều là giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, đối tượng mà chúng ta giao tiếp nhiều nhất đó là học sinh- là thế hệ trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước, nhiệm vụ lớn nhất của chúng tôi là giáo dục làm sao để các em trở thành con người vừa có đạo đức, vừa có tri thức. Bác cũng từng dạy chúng ta rằng Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Từ đó cho chúng ta thấy được Bác luôn chú trọng đến đạo đức con người, việc giáo dục đạo đức cho con người là vô cùng quan trọng.
Hiên nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng thường hay đăng tải những thông tin, hình ảnh, video không hay về những việc có liên quan đến ngành giáo dục của chúng ta như cố giáo ở một nhà giữ trẻ nào đó ngược đãi học sinh của mình, một ông thầy nọ lạm dụng học sinh, rồi một nhóm học sinh xúm lại hành hung bạn mình còn những bạn khác thì đứng bên ngoài reo hò ầm ĩ mà không can ngăn…làm cho chúng ta hết sức đau lòng. Vậy, nguyên nhân là do đâu Phải chăng nó có liên quan đến đạo đức, nhân cách con người và bài học về lòng nhân ái nêu trên.
Là một giáo viên, chúng ta cần trau dồi đạo đức, bồi bổ nhân cách và rèn luyện phong cách ứng xử sao cho thực sự nhân ái, xứng tầm là một thầy giáo, cô giáo theo gương của bác Hồ vĩ đại. Phải thật sự có lòng nhân ái, bao dung, quý trọng con người thì chúng ta mới có thể yêu thương học sinh, và truyền lòng nhân ái ấy đến cho các em. Lòng nhân ái, quý trọng con người ở một giáo viên không chỉ nói suông mà nó phải được thể hiện cụ thể qua cách chúng ta nghiên cứu bài, cách chúng ta truyền thụ kiến thức cho học sinh ở trên lớp và cách chúng ta ứng xử với học sinh kể cả khi học sinh vi phạm.
Bài do cô Lý Kim Ba, đảng viên trường THCS Thị Trấn cung cấp.